Tin SSC
SSC ký kết hợp tác phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu với Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM - Biotech
19/08/2022
Ngày 19/8, tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM (Biotech), Sở NN-PTNT P.HCM với Biotech TPHCM tổ chức Hội thảo “Tư duy kinh tế nông nghiệp trong sản xuất và thương mại giống cây trồng”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ hội chợ, triển lãm “Giống và Nông nghiệp Công nghệ cao TP lần VIII năm 2022 diễn ra từ ngày 18-21/8/2022).
Nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống cây trồng - Thách thức và cơ hội
Những năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật. Yếu tố quan đóng góp vào những thành tựu này là công tác nghiên cứu, chọn tạo giống.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Liên hiệp các Hội KH-KT TP.HCM, Sở NN-PTNT TP.HCM cùng hơn 100 đại biểu là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và dịch vụ hoa kiểng, rau ăn lá tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam tham dự.
Phần lớn hạt giống rau, hoa vẫn nhập khẩu
Tại hội thảo, các đại biểu cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông sản từ dưới 10 tỷ USD ở đầu thập niên 2000 đã nhanh chóng đạt mốc hơn 20 tỷ USD trong tổng số gần 49 tỷ USD (năm 2021) giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Đóng góp vào thành tựu này gồm nhiều yếu tố khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, chế biến và thị trường; song phải khẳng định rằng, giống là yếu tố quan trọng đã giữ vai trò to lớn trong kết quả sản xuất nông sản của Việt Nam.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: "Ngành giống Việt Nam nói chung đã đạt được những thành tựu rất lớn, nhưng với giống cây hoa, rau màu thì còn nhiều hạn chế", Ảnh: Hồng Thuỷ.
Hiện, cả nước có 100 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cấp tỉnh. Trong số này có 56 công ty và trung tâm (chiếm 56%) chỉ sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; 44 doanh nghiệp còn lại (chiếm 44%) không chỉ sản xuất hoặc kinh doanh giống thuần túy mà còn cung cấp các dịch vụ tổng hợp cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, cả nước có 15 công ty đa quốc gia, liên doanh với nước ngoài đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và phân phối, ủy thác phân phối các sản phẩm giống có ưu thế lai tại Việt Nam...
Các chuyên gia cho rằng, hệ thống sản xuất giống ở nước ta tuy nhiều nhưng năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu. Các giống cây lương thực chính như lúa, ngô cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất. Với lúa, hơn 95% giống; ngô hơn 60% giống sản xuất trong nước và chất lượng bảo đảm theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Tuy nhiên, khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống đó là giống rau, hoa. Hiện, chúng ta phải nhập khoảng 90% hạt giống loại này với giá trị vài chục triệu USD, mặc dù Việt Nam có những vùng khí hậu (vùng núi cao phía bắc, Đà Lạt) có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới.
Các chương trình, đề tài nghiên cứu chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào nhóm cây lương thực truyền thống như lúa, ngô. Nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, rau và hoa chưa được quan tâm đúng mức, một số đối tượng còn bỏ trống.
Các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn, thiếu tính khả thi làm hạn chế tính sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới chọn tạo và phóng thích giống cây trồng nông nghiệp ra lưu hành. Các kết quả nghiên cứu về giống rau, hoa còn ít và nhất là công nghệ sản xuất hạt giống ưu thế lai với việc tạo ra các dòng thuần bố, mẹ và kỹ thuật sản xuất còn yếu kém, lợi thế cạnh tranh thấp.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM: "Việc ký kết thoả thuận hợp tác giữa các đơn vị sẽ góp phần phát triển giống cây trồng trong thời gian tới". Ảnh: Hồng Thuỷ.
Theo các đại biểu, Việt Nam cần tận dụng tốt sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, công nghệ sinh học, công nghệ phân tử như chỉnh sửa gen, đánh dấu gen sẽ giúp việc chọn tạo ra các giống cây trồng cho năng suất, chất lượng, chống chịu nhanh và hiệu quả hơn. Đồng thời, hội nhập quốc tế và quan hệ trao đổi hợp tác về nguồn gen giống cây trồng tạo cơ hội cho Việt Nam học tập, tận dụng các kết quả khoa học công nghệ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phát triển mạnh hơn.
Hạn chế, thách thức và cơ hội
Công tác chọn tạo giống cây trồng ở Việt Nam những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Theo báo cáo tại hội thảo, hệ thống nghiên cứu của các Viện về nông nghiệp nói chung và giống cây trồng nông nghiệp gồm có 19 đơn vị thành viên thuộc Viện KHNN với 2.556 cán bộ, công nhân viên chức, 35% có trình độ Tiến sỹ và Thạc sỹ.
Hệ thống nghiên cứu của các trường gồm có Học viện Nông nghiệp Việt Nam và 6 Trường Đại học chuyên ngành Nông Lâm nghiệp và Thủy sản, chưa tính các Trường Đại học có Khoa Nông, Lâm nghiệp.
Đối với hệ thống nghiên cứu của các Trung tâm giống tỉnh, hiện có khoảng 50 trung tâm giống cây trồng, số trung tâm nghiên cứu chọn tạo giống không nhiều, chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và khảo nghiệm giống.
Các công ty lớn có các Viện nghiên cứu hoặc trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm như Tập đoàn giống cây trồng Việt nam, Thái bình seed, ADI, Lộc trời, Syngenta Vietnam, Công ty Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) và hàng chục đơn vị, cá nhân tham gia chọn lọc.
Cuối buổi hội thảo, Sở NN-PTNT TP.HCM và Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cũng đã ký kết thoả thuận hợp tác phát triển về phát triển giống cây trồng. Ảnh: Hồng Thuỷ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức. Đó là: Hệ thống sản xuất giống tuy nhiều nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu, đặc biệt là giống rau, hoa. Các chương trình, đề tài nghiên cứu chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào nhóm cây lương thực truyền thống như lúa, ngô; nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, rau và hoa chưa được quan tâm đúng mức, một số đối tượng còn bỏ trống.
Các kết quả nghiên cứu về giống rau, hoa còn ít và nhất là công nghệ sản xuất hạt giống ưu thế lai với việc tạo ra các dòng thuần bố, mẹ và kỹ thuật sản xuất còn yếu kém, lợi thế cạnh tranh thấp.
Sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng không thực sự mạnh, Khu vực ĐBSCL, vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lớn, có tiềm lực rất ít, giống lúa là chủ lực nhưng vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống “không cấp”.
Công tác thanh tra kiểm tra về chất lượng giống trong thời gian qua mặc dù đã được Bộ NN-PTNT chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu do quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh giống chưa chặt chẽ; sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương thiếu thống nhất và hiệu quả. Tình trạng giống kém chất lượng vẫn được sản xuất, lưu thông và sử dụng; gây thiệt hại cho nông dân, cạnh tranh không lành mạnh; nhất là với giống cây ăn quả và cây công nghiệp.
Bà Hà Thị Loan, Phó Giám ĐốcTrung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và ông Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Giống Cây trồng Miền Nam Ký kết thoả thuận hợp tác phát triển về giống cây trồng. Ảnh: Hồng Thuỷ.
Cuối buổi hội thảo, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM (Biotech) và Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC). Nội dung ký kết là hợp tác phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu giữa các đơn vị. Theo đó, Biotech sẽ hỗ trợ lai tạo giống rau màu theo thông tin đề xuất và nhu cầu đặt hàng của SSC, ngược lại, SSC sẽ cung cấp các thông tin về yêu cầu thị trường để Biotech nghiên cứu và chọn tạo. SSC sẽ phân phối hạt giống dưa lưới F1 công nghệ cao, được thị trường chấp nhận do Biotech nghiên cứu và lai tạo. ngoài ra, Biotech sẽ hợp tác với SSC đề xuất những dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp Bộ liên quan đến lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng.
Ngày 28/5/2020, Chính phủ ký quyết định phê duyệt chương trình phát triển, nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, tổng mức đầu tư hơn 103 ngàn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 16.450 tỷ đồng, nguồn vốn khác 86.600 tỷ đồng. Mục tiêu của chương trình là “Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại, nhằm cung cấp cho sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu”.
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)