Truyền thông
VIỆT NAM THỪA SỨC CẠNH TRANH CÔNG NGHỆ GIỐNG
07/04/2017
Trong kinh doanh giống cây trồng, ngoài việc xắn quần lội xuống ruộng cùng làm với nhà nông, nghiên cứu thổ nhưỡng vùng để có giống cây phù hợp, nhà kinh doanh phải đầu tư nghiên cứu bằng công nghệ cao, tạo nhiều giống lai riêng, tránh bị phụ thuộc vào giống ngoại. Ông Hàng Phi Quang, Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Miền Nam (SSC), đã đưa ra quan điểm như vậy khi bàn đến việc đầu tư kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam.
Trong kinh doanh giống cây trồng, ngoài việc xắn quần lội xuống ruộng cùng làm với nhà nông, nghiên cứu thổ nhưỡng vùng để có giống cây phù hợp, nhà kinh doanh phải đầu tư nghiên cứu bằng công nghệ cao, tạo nhiều giống lai riêng, tránh bị phụ thuộc vào giống ngoại. Ông Hàng Phi Quang, Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Miền Nam (SSC), đã đưa ra quan điểm như vậy khi bàn đến việc đầu tư kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam.
Từ giống lai đến tạo giống bằng công nghệ sinh học
Câu chuyện tự học để tạo ra giống lai của SSC bắt đầu từ năm 1989. Khi đó, Công ty hợp tác sản xuất một số giống cây trồng với một nhà đầu tư Đài Loan và tranh thủ học được khái niệm trồng rau bằng màn phủ nông nghiệp, kỹ thuật lai hạt dưa hấu từ họ. Sáu năm sau, SSC nghiên cứu thành công giống dưa hấu lai và 5 năm sau đó là giống bắp nếp lai đầu tiên tại Việt Nam.
Những năm 1995-2000, có khi mỗi năm SSC bán được đến 2 tấn hạt dưa giống. Thời gian trước năm 2000, rất ít doanh nghiệp lai tạo giống cây thành công. “SSC là doanh nghiệp đi sớm trong lĩnh vực tạo giống lai”, ông Quang khẳng định. Riêng với giống bắp nếp lai, có năm SSC bán cả 1.000 tấn hạt giống, chiếm hơn 50% thị trường cả nước.
Để chứng minh thêm về yếu tố “đi đầu” trong lĩnh vực làm giống lúa lai trong nước, ông Quang cho biết SSC đã được công nhận 4 giống lúa lai và dự kiến cho ra 6 loại nữa vào năm 2012. “Công ty không thể làm khoa học theo kiểu của các viện, trường nghiên cứu là thiên về khoa học và số lượng. Chúng tôi chú trọng khả năng tạo nên lợi nhuận và tính ứng dụng rộng rãi của sản phẩm”, ông Quang bày tỏ quan điểm của mình về nghiên cứu giống cây trồng.
Trong câu chuyện về đầu tư của SSC, ông Quang nhấn mạnh 2 yếu tố: đầu tư nghiên cứu tập trung và đầu tư công nghệ sinh học. Tuy nhiên, đến năm 2010, SSC mới đầu tư 8 tỉ đồng xây phòng thí nghiệm công nghệ sinh học tại Bình Dương, nằm trong khuôn viên trung tâm nghiên cứu giống của Công ty được xây từ năm 2009. Như vậy, nếu coi công nghệ sinh học là một chiến lược chủ lực thì đến thời điểm này mới đầu tư là quá trễ.
Tuy nhiên, ông Quang giải thích, công nghệ sinh học chỉ là công cụ định hướng, vấn đề là ứng dụng thế nào. “Ứng dụng công nghệ sinh học trong giống cây trồng cần thiết lúc này là làm giống cây biến đổi gene (GMO). Nhưng với nhu cầu thực tế về diện tích trồng ngô, quy mô trồng nhỏ và tập quán canh tác hiện nay, Việt Nam chưa cần giống biến đổi gene”.
Nguyên nhân thứ 2 cũng quan trọng không kém là chi phí đầu tư cho nghiên cứu GMO rất cao. “Để có 1 gene GMO, nhà đầu tư phải tốn ít nhất 100 triệu USD. Chi phí đầu tư quá cao song chiến lược phát triển GMO là cần thiết và cần tiếp cận ngay từ bây giờ”, ông Quang nói.
Hiện tại, Việt Nam đang cho trồng thử nghiệm rồi tiến đến trồng đại trà giống bắp biến đổi gene. Về mặt vĩ mô, ông Quang cho rằng, Việt Nam nên học Indonesia về chiến lược phát triển giống cây trồng. Cách làm của Indonesia là buộc các nhà đầu tư nước ngoài, sau 2 năm vào kinh doanh sản phẩm giống cây trồng, phải chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất (kể cả GMO) cho nước này có thể tự làm giống tốt, tránh sự thao túng về giá của công ty ngoại. “Ràng buộc là điều mà Chính phủ phải làm một cách quyết liệt. Không thể để nhà kinh doanh nước ngoài đến một thị trường khai thác tối đa rồi tự do rút đi được”, ông Quang bày tỏ.
Ngoài thế mạnh về cung cấp giống lúa lai và giống bắp nếp lai, SSC còn có nhiều giống rau củ quả đang ổn định tại thị trường nội địa.
Tận dụng cơ hội tại thị trường nội
Theo ông Quang, hơn 70% giống rau củ quả của Việt Nam là nhập khẩu. Trong khi “Việt Nam là thị trường rau củ béo bở mà các nhà đầu tư nội địa cần tập trung khai thác”, ông nói. Riêng trong đầu tư lai tạo giống mới, khảo nghiệm giống nhập và sản xuất giống bố mẹ, chi phí trung bình mỗi năm tiêu tốn đến 10 tỉ đồng.
“Thị trường không tạm dừng để chờ nhà kinh doanh tung ra sản phẩm mới mà bắt buộc họ phải có giống mới liên tục, phù hợp với sự thay đổi của thị trường”, ông cho biết. Chẳng hạn, từ năm ngoái đến năm nay, quan niệm về ngon đẹp đối với quả khổ qua đã khác nhau. Từ quả khổ qua màu xanh đậm hay nhạt, gai nhỏ, gãy đoạn đều được, nay người tiêu dùng đòi quả phải có gai liền từ cuống đến ngọn, thịt dày hơn và vỏ màu xanh bóng bắt mắt hơn.
Đối với thị trường nội địa, theo ông Quang, doanh nghiệp trong nước không nên chỉ tập trung vào sản phẩm hiện có mà phải nghĩ đến phát triển giống mới cạnh tranh với giống ngoại nhập. Đó cũng là chiến lược SSC đưa ra suốt hơn 5 năm qua.
Cách đây khoảng 2 năm, khi Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ nhiều cho các nhà kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, giá giống lúa lai Trung Quốc bán ra rất rẻ khiến giống lúa lai Việt Nam không cạnh tranh được. Nhưng 2 năm trở lại đây, khi Chính phủ không hỗ trợ nữa, giá giống lúa lai Trung Quốc đã tăng đột biến, lên đến 60%. Một cơ hội cho các nhà kinh doanh đầu tư nghiên cứu, kinh doanh giống lúa lai Việt Nam, ông Quang nhận định.
Hiện tại, giá bán 1 ký giống lúa lai khoảng 60.000-70.000 đồng, năng suất tăng 15-20%, khả năng chống chịu sâu bệnh và khí hậu thất thường cao hơn so với giống lúa thuần. Nhưng với tình hình diện tích đất trồng đang có nguy cơ thu hẹp, liệu chiến lược phát triển lâu dài của SSC có gì thay đổi?
Ông Quang cho biết diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam có chiều hướng giảm nhiều, so với Campuchia chẳng hạn. Song, Việt Nam có hệ thống thủy lợi tốt, điều mà Campuchia cần rất nhiều thời gian và tài chính mới có được. “Nếu Campuchia đầu tư mạnh cho thủy lợi, họ sẽ vượt Việt Nam về trồng lúa. Nhưng điều này không dễ bởi đầu tư thủy lợi chiếm khoản phí lớn nhất trong đầu tư nông nghiệp”, ông phân tích.
Hiện nay, 400 ha trồng lúa tại Cần Thơ, 500 ha lúa tại Tiền Giang, trên 600 ha bắp tại TP.HCM, 200 ha lúa lai tại Đắk Lắk, 100 ha lúa lai ở Quảng Nam... chính là nguồn cung chính của SSC cho thị trường miền Nam. Ở miền Bắc, SSC đang có kế hoạch thuê đất của nhiều hộ nhà nông để tạo giống lúa mới, phù hợp thời tiết khí hậu vùng.
Xu hướng thuê đất để đầu tư nông nghiệp chuyên nghiệp cũng đang được một số nhà đầu tư áp dụng. Vì trong tương lai, các bờ bao sẽ bị phá bỏ, tạo nên mảnh ruộng lớn hơn những mảnh ruộng nhỏ lẻ mỗi hộ cộng lại. Hơn nữa, chế độ chăm sóc giống, thuốc trừ sâu sẽ đồng bộ, tiết kiệm chi phí, công suất nhưng năng suất cao hơn. “Nông nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh tốt với các nước, vấn đề là phải nghĩ lớn và dám làm lớn”, ông Quang bộc bạch.
(Trích báo Nhịp cầu đầu tư - 23/5/2011)
Tin liên quan
17/04/2017
17/04/2017