Tin ngành giống
Đài thơm 8 - giống lúa kháng bệnh, chịu mặn tốt
26/03/2016
Đài thơm 8 cho năng suất cao, kháng bệnh và chịu mặn, hứa hẹn đem lại vụ mùa bội thu cho nông dân.
Với khả năng chống được bệnh đạo ôn, rầy nâu, chịu mặn tốt, cho chất lượng gạo ngon, thích nghi với nhiều khu vực tại ĐBSCL, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, giống lúa Đài thơm 8, do công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam sản xuất, đem lại niềm hy vọng về những vụ mùa bội thu cho bà con nông dân.
Hiện thực giấc mơ về giống lúa tốt
Hiện nay, các chương trình lai tạo giống lúa ở phía Nam đã tạo ra nhiều giống lúa có năng suất cao. Tuy nhiên, chỉ một số ít giống lúa có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và thoả mãn thị hiếu người tiêu dùng. Những giống lúa chất lượng cao sau một thời gian lưu hành trong sản xuất trở nên nhiễm các loại sâu bệnh chính như rầy nâu, bệnh đạo ôn. Do đó, khi giống lúa Đài thơm 8 ra đời, đó là sự đột phá trong công tác nghiên cứu giống của công ty.
Đài thơm 8 là kết quả nghiên cứu và lai tạo từ tổ hợp lai giữa giống mẹ là BVN và giống bố là OM 4900 (BVN/OM4900); sau 4 năm, 8 vụ, tập thể tác giả của Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC) đã chọn thành công được dòng CT 286 -17-1-1-1.
Sau khi làm thuần, dòng này được mã hóa và đặt tên MN 14-2.MN 14-2 được tiến hành các bước khảo nghiệm tác giả khắp các vùng sinh thái của vựa lúa ĐBSCL. MN 14-2 cũng đã gửi khảo nghiệm và đánh giá trong hệ thống mạng lưới khảo nghiệm quốc gia vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL qua Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng quốc gia.
Sau thời gian khảo nghiệm quy mô quốc gia tại các vùng miền với 100 ha, đã có nhiều kết quả mang lại hy vọng cho người nông dân trồng lúa. Đối với lúa cấy, Đài thơm 8 có thời gian sinh trưởng 100 - 105 ngày ở vụ đông xuân và hè thu. Ở duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, lúa này có thời gian sinh trưởng 110 - 123 ngày ở vụ đông xuân, 105 - 116 ngày ở vụ hè thu. Đối với lúa sạ, thời gian sinh trưởng ngắn hơn 5-7 ngày.
Ưu điểm của Đài thơm 8 là cứng cây, ít đổ ngã, đẻ nhánh khỏe, bông to trung bình 110 hạt chắc/ bông, tỷ lệ lép thấp 10 -17%, chịu bệnh đạo ôn, rầy nâu.
Cùng với đó, giống lúa có khả năng thích nghi rộng, cho năng suất cao và ổn định. Ở ĐBSCL trung bình cho 4 - 5 tấn/ ha ở vụ hè thu, 7 - 7,5 tấn/ha vụ đông xuân, cao hơn các giống đối chứng 4 - 8%. Ở một số tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vụ hè thu đạt trung bình 6 tấn/ ha, 7 - 7,5 tấn/ ha vụ đông xuân, cao hơn các đối chứng trung bình 10%.
Nông dân vui mừng
Về chất lượng cơm, gạo, Đài thơm 8 cho ra hạt gạo thon, dài 7,02mm, tỷ lệ D/R = 3,32, hàm lượng amylose thấp 16,29%, hạt gạo trong, tỷ lệ hạt bạc bụng thấp (5%). Khi nấu lên, cơm trắng, bóng, dẻo, thơm, ngon có vị đậm.
Vụ thu đông 2015, trong thí nghiệm so sánh vùng đất lúa tôm huyện Cái Nước – Cà Mau, nồng độ muối ở ruộng thí nghiệm dao động ở giai đoạn đẻ nhánh và ôm đòng từ 3-5%0 và tăng lên 6 -8%0 ở giai đoạn sau khi trổ, Đài thơm 8 có phản ứng chịu mặn cấp 3, cho năng suất 4,72 tấn/ha, cao hơn 2 giống chịu mặn IR 154, IR 84196 từ 1,1 -1,62 tấn/ha, và cao hơn giống lúa phổ biến địa phương OM 2395 đến 2 tấn/ha.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, trồng 3 công lúa Đài thơm 8 cho biết: “Năng suất trung bình của ruộng nhà tôi 8,4 tấn/ha. Như vậy là cao hơn nhiều giống lúa khác trước đây. Giống lúa mới này chống được bệnh nên không phải lo lắng nhiều nữa. Thương lái ai cũng khen chất lượng lúa nên khi thu hoạch xong là có người đến đặt cọc tiền mua ngay”.
Ông Nguyễn Văn Mỹ ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang có gần 4 công đất. Sau khi được cán bộ của công ty hướng dẫn sạ hết diện tích bằng giống Đài thơm 8 đã thu hoạch và năng suất đạt được 9,4 tấn/ha. Ông phấn khởi cho biết, đây là mức năng suất cao nhất của ông từ trước đến nay và đây cũng là cao nhất trong các điểm mô hình trình diễn mà công ty đã triển khai ở vụ này.
Tổng Giám đốc SSC- ông Hàng Phi Quang, rất tâm đắc với giống lúa thuần mới và chất lượng này bởi các thông tin phản hồi từ nông dân và thị trường là rất khả quan. "Đài thơm 8 đã hội tụ đủ các tiêu chí đặt ra từ năng suất, chất lượng đến chống chịu, khả năng chịu mặn khá tốt sẽ mở ra cơ hội cho vùng đệm có nguy cơ ảnh hưởng của mặn và chất lượng cơm gạo sẽ là một lợi thế lớn của giống này so với nhiều giống khác đang phổ biến".
Hiện các báo cáo về chọn tạo khảo nghiệm, đánh giá sâu bệnh hại nhân tạo và thử khả năng chịu mặn đã được tổng hợp hoàn tất. SSC sẽ đề nghị Bộ NNPTNT công nhận giống lúa mới này trong thời gian gần nhất để có cơ sở nhân giống đáp ứng nhu cầu của bà con.